Lượt xem: 7628

Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động văn học, nghệ thuật Sóc Trăng trong thời gian tới

Văn học, nghệ thuật được xác định là một lĩnh vực tinh tế, nhạy cảm của văn hóa; là lãnh địa của khám phá và sáng tạo, tâm hồn và cảm xúc, có sức mạnh cảm hóa, thu phục lòng người rất lớn. Đã từ lâu, sứ mệnh đặc biệt của văn học, nghệ thuật với tất cả ý nghĩa chân chính và cao cả của nó là nhằm hướng con người đến với các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

    Đã từ lâu, văn học, nghệ thuật (VHNT) bao giờ cũng có sức truyền cảm và ý nghĩa giáo dục lớn lao, góp phần vun đắp tâm hồn, tình cảm, đạo đức, lý tưởng sống cho con người. Do đó, VHNT, ngoài các chức năng: Nhận thức, phản ánh, thẩm mỹ, giải trí, thì chức năng giáo dục là chức năng cơ bản, bao trùm của văn học, nghệ thuật. Bởi, VHNT vừa khẳng định vừa phản biện; vừa nuôi dưỡng vừa nâng đỡ; vừa là chỗ dựa tinh thần vừa nghiêm khắc cảnh tỉnh con người, giúp họ nhận ra những cái xấu, cái chưa hoàn thiện để tự điều chỉnh mình.


Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2018. 

 

    Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chú trọng đến phát triển văn học, nghệ thuật. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI hay còn gọi là Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết đã khẳng định mối quan hệ biện chứng: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”, và trong xây dựng văn hóa thì phát triển văn học, nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt.

    Những năm gần đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có bước phát triển mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến nay đã có hơn 289 hội viên; nhiều hội viên đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp anh chị em văn nghệ sĩ; tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Điểm nổi bật là hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ luôn vững vàng về quan điểm chính trị, quan điểm, phương pháp sáng tác, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, những tác động tiêu cực từ các xu hướng tư tưởng trái chiều. Trên chặng đường sáng tác phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển của quê hương đất nước, văn học nghệ thuật tỉnh nhà đã có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc hoạ sinh động đời sống kinh tế, xã hội cùng truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của mảnh đất và con người Sóc Trăng trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập.

    Xuất hiện nhiều tác phẩm xuất sắc được tặng thưởng các giải văn học nghệ thuật ở địa phương, khu vực và Trung ương. Đã tổ chức thành công cuộc thi, liên hoan sáng tác văn học nghệ thuật cấp khu vực, như: Cuộc thi ca khúc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Sóc Trăng lần thứ 29 - năm 2018 với trên 400 tác phẩm ca khúc dự thi; Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 35 tại Sóc Trăng - năm 2020; các cuộc thi tranh, ảnh nghệ thuật đẹp của Sóc Trăng năm 2020 và các cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức hàng năm. Điểm nổi bật nữa là Hội đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức các cơ sở trực thuộc; xây dựng Đề án “Phát triển hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đã thông qua và được sự đồng ý của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, hiện đang trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.

    Thực trạng, trong đời sống văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà vẫn còn có hiện tượng một số ít cây bút sống bàng quan với các vấn đề của quê hương đất nước, lảng tránh những vấn đề nóng bỏng của hiện thực, co lại trong những chủ đề cá nhân riêng tư, hoặc chạy theo xu hướng giải trí rẻ tiền, làm mất đi thiên chức cao quý của văn học, nghệ thuật.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cơ hội lớn, nhưng khó khăn thách thức không nhỏ. Mở cửa hội nhập sẽ tạo ra sự giao thoa, du nhập các trào lưu văn hóa, đòi hỏi chúng ta phải có sự chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến để tiếp thu một cách hợp lý. Đồng thời tạo ra sức đề kháng với những xu hướng độc hại đang len lỏi, tác động vào nền văn học nghệ thuật nước ta. Do vậy, trong thời gian tới vấn đề đặt ra là tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị và kết luận của Đảng về lĩnh vực Văn hóa, Văn nghệ; tiếp tục ra sức xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

    Để VHNT Sóc Trăng tiếp tục phát triển, tạo ra những bước tiến mới với những kết quả tốt đẹp hơn nữa, đóng góp tích cực, hiệu quả trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, vấn đề đặt ra đối với Hội VHNT tỉnh trong thời gian tới, đó là:

    Thứ nhất, nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển văn hóa, VHNT của Đảng được xác định là “nguồn lực mềm”, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, cùng với đó là tập trung thực hiện tốt việc phát huy sức mạnh nội sinh, vai trò của văn hóa, VHNT để thực thụ là động lực góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

    Để đạt được mục tiêu đó, Hội VHNT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh học tập quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị với 3 mục tiêu lớn và 3 nhóm quan điểm chỉ đạo; phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của các cấp ủy đảng đối với lĩnh vực văn hóa nói chung, trong đó có văn học, nghệ thuật; quan tâm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đảm bảo về số lượng, chất lượng và có sự kế thừa; có kế hoạch giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến đông đảo quần chúng; nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần định hướng sáng tác văn học, nghệ thuật và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn học nghệ thuật và các nghệ sĩ, nghệ nhân được nghiên cứu, phát triển thông qua các hoạt động thực tế sáng tác... ra sức góp phần xây dựng văn hóa và con người Sóc Trăng với những điểm độc đáo, khác biệt, có những tố chất, đặc thù riêng. Khai thác, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, nội lực của con người Sóc Trăng để biến thành động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển của quê hương. Đây cũng là niềm trăn trở, khát vọng và thôi thúc văn nghệ sĩ tỉnh nhà tìm câu trả lời có tính thuyết phục và có sức lay động mạnh mẽ lòng người, thông qua con đường sáng tạo văn học nghệ thuật.

    Bên cạnh đó, Hội phát động đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà nỗ lực nêu cao hơn nữa vai trò của VHNT trong việc “truyền cảm hứng” về phát huy sức mạnh truyền thống lịch sử, phát huy nguồn lực văn hóa; năng lực, phẩm chất con người Sóc Trăng; ra sức bồi dưỡng vun đắp tâm hồn, tình cảm của người Sóc Trăng, để văn hóa và con người ở vùng đất này thực sự là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ ra.


Tổng kết và trao giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 35 năm 2020. 

 

    Thứ hai, Hội VHNT tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, quán triệt sâu sắc tới từng hội viên quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Tham mưu cho tỉnh những vấn đề có liên quan thiết thực đến việc xây dựng và phát triển trên lĩnh vực VHNT của tỉnh; gắn với việc thực hiện nội dung của Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sóc Trăng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương, của đất nước. Trên cơ sở đó, tham mưu xây dựng chiến lược phát triển của Hội, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn học, nghệ thuật; nỗ lực quảng bá những thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh; giới thiệu quảng bá về vùng đất và con người Sóc Trăng với những nét đẹp truyền thống, là điểm đến tin cậy, hấp dẫn của bạn bè gần xa, xây dựng được các hình tượng nghệ thuật sinh động. Làm cho mỗi người dân Sóc Trăng luôn có niềm tự hào về quê hương mình để phấn đấu hành động vì sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước và vì sự trưởng thành, vinh quang của từng cá nhân.

    Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh triển khai, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII. Tích cực làm tốt vai trò là cơ quan Thường trực Ban tổ chức cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật của tỉnh về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong giới văn nghệ sĩ và cán bộ, nhân dân, coi đây vừa là tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu, vừa là trách nhiệm của văn nghệ sĩ, cán bộ và nhân dân, góp phần đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở Sóc Trăng ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất trên địa bàn tỉnh.

    Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Hội VHNT tỉnh, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh, trong việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục tham mưu cho tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển văn học nghệ thuật, về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, trong đó có văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh. Nâng cao năng lực và chất lượng các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội trên các lĩnh vực chuyên môn, đưa ra các kiến nghị, hiến kế cho tỉnh một cách phù hợp, có sức thuyết phục. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ trẻ; quan tâm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ; khuyến khích, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn đời sống để sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.

    Thứ năm, tích cực tham mưu và đề xuất với lãnh đạo tỉnh trong việc rà soát, xây dựng hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của văn học, nghệ thuật, nhất là chế độ, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thực thi nghiêm túc quyền tác giả và quyền liên quan; xử lý kịp thời những vi phạm về chuyên môn và đạo đức trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ sáng tác đối với một số chủ đề, tác phẩm văn học, nghệ thuật cần thiết và xứng tầm; vinh danh, trao giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp VHNT tỉnh nhà./.

Sơn Lương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 6028
  • Trong tuần: 76,735
  • Tất cả: 11,800,055